Khải Xuân (KXS): Thị trường giao nhận của Hoa Kỳ không khả quan như kỳ vọng đầu năm 2022
(Cập nhật: 19/12/2022)Hoạt động giao nhận sôi động hơn trong tháng 10 và tháng 11/2022 khi mùa mua sắm cuối năm đến gần và thói quen mua hàng trực tuyến đã trở nên thịnh hành tại Hoa Kỳ. Tuy nhiên, nếu so với dự báo vào đầu năm thì nhu cầu dịch vụ giao nhận không khả quan như kỳ vọng do kết hợp của cả yếu tố lạm phát và những điều chỉnh trong tiêu dùng sau COVID-19.
Doanh số bán lẻ tháng 10/2022 ở mức 694,5 tỷ USD, tăng 1,3% so với tháng 9 và tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2021. Trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 10/2022, doanh số bán lẻ tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước.
Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia (NRF) có trụ sở tại Washington, D.C. đã báo cáo rằng thống kê doanh số bán lẻ tháng 10/2022, loại trừ doanh số bán hàng cho các đại lý ô tô, trạm xăng và nhà hàng để tập trung vào bán lẻ cốt lõi, đã cho thấy mức tăng 0,7% so với tháng 9/2022 và 6,5% so so với tháng 10/2021.
Trên cơ sở diễn biến này, các chuyên gia thị trường dự báo rằng doanh số bán lẻ tại Hoa Kỳ trong năm 2022 sẽ tăng trưởng từ 6% đến 8% so với cùng kỳ năm 2021.
Chi tiêu dần chậm lại vì lạm phát nhưng nhìn chung vẫn ổn định so với các thị trường khác, do Hoa Kỳ vốn là nền kinh tế tiêu dùng lớn nhất thế giới. Văn hóa tiêu dùng Mỹ tiếp tục tạo đà cho sự phục hồi của lĩnh vực giao nhận mặc dù lạm phát tăng cao, chi phí vay tăng và những bất ổn kinh tế vĩ mô lan rộng.
Với việc làm và tiền lương ngày càng tăng và người mua sắm bắt đầu xswr dụng các khoản tiết kiệm tích lũy, các chuyên gia trong lĩnh vực giao nhận cho rằng xu hướng này sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu dịch vụ giao nhận, đặc biệt là phân khúc giao hàng dặm cuối tại các đô thị lớn của Hoa Kỳ. Nhiều chương trình khuyến mãi đã có kế hoạch thực hiện tháng 11 và tháng 12, vốn là những tháng mua sắm lớn trong kỳ nghỉ lễ có thể đẩy doanh số dịch vụ giao hàng dặm cuối lên mức cao trong tháng 12/2022.
Doanh số bán hàng trực tuyến, cửa hàng vật liệu xây dựng và cửa hàng tạp hóa đang ghi nhận mức tăng mạnh nhất. Cụ thể như sau:
Doanh số bán hàng trực tuyến và ngoài cửa hàng khác tăng 1,2%;
Doanh số bán sản phẩm chăm sóc sức khỏe và chăm sóc cá nhân đã tăng 0,5% so với tháng trước. Sau đại dịch người tiêu dùng vẫn có xu hướng sử dụng nhiều các sản phẩm này.
Trong dự báo doanh số bán lẻ trong kỳ nghỉ lễ được Liên đoàn bán lẻ Hoa Kỳ đưa ra vào đầu tháng 11/2022, khoảng thời gian 2 tháng cuối năm là mùa mua sắm trong kỳ nghỉ lễ, doanh số bán lẻ dự báo sẽ 6% đến 8%, đạt khoảng 942,6 tỷ đô la đến -960,4 tỷ USD. Vào năm 2021, doanh số bán lẻ tăng 13,5% so với năm 2020, có thể là do thời điểm xảy ra đại dịch vào năm 2020, ở mức 899,3 tỷ USD, lập kỷ lục mới mọi thời đại. Hơn nữa, trong 10 năm qua, doanh số bán lẻ trong kỳ nghỉ đã tăng trung bình 4,9%.
Chú thích ảnh: Một quảng cáo của UPS về dịch vụ giao hàng dặm cuối
Ngay cả khi một số gia đình Hoa Kỳ cho biết họ muốn quay lại trải nghiệm đi mua sắm truyền thống sau đại dịch thì với các xu hướng thị trường gần đây, Liên đoàn bán lẻ Hoa Kỳ kỳ vọng thương mại điện tử sẽ đóng một vai trò quan trọng trong dịp lễ cuối năm 2022. Dự báo doanh số bán hàng trực tuyến và ngoài cửa hàng khác sẽ tăng từ 10% đến 12%, đạt khoảng từ 262,8 tỷ USD đến 267,6 tỷ USD. Điều này sẽ tạo lực đỡ để dịch vụ giao hàng dặm cuối cũng như các hoạt động xử lý đơn hàng không điều chỉnh giảm mạnh theo các hoạt động chung của nền kinh tế, ít nhất là trong tháng tới.