Hiệu quả - Tin cậy - An toàn

Khải Xuân (KXS): Serie 1 (Tiếp): Trung Quốc dừng thông quan hàng hoá qua CK Hữu Nghị từ 6/3/2022, tích cực tìm giải pháp căn cơ

(Cập nhật: 09/03/2022)
Theo thông tin từ Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn, Trung Quốc dừng thông quan hàng hoá qua cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc) bắt đầu từ ngày 6/3/2022. Hiện phía Trung Quốc chưa thông báo thời gian thông quan trở lại cửa khẩu này.



Nguyên nhân là phía Trung Quốc phát hiện lái xe chuyên trách Trung Quốc dương tính nên phía bạn dừng thông quan tại cửa khẩu Hữu Nghị để xét nghiệm Covid-19 cho toàn bộ người dân Bằng Tường và các lực lượng chức năng tại cửa khẩu.

Tỉnh Lạng Sơn cho biết đang tích cực triển khai các biện pháp để sớm mở lại hoạt động thông quan hàng hóa tại cửa khẩu Hữu Nghị.

Hiện việc thông quan hàng hoá tại các cửa khẩu Lạng Sơn vẫn khá chậm. Đến ngày 7/3/2022 còn hơn 1.700 xe chở hàng hoá các loại nằm chờ tại các cửa khẩu của Lạng Sơn, trong đó 1.097 xe nông sản, trái cây tươi. Lượng xe nằm chờ tại khu vực cửa khẩu Hữu Nghị chiếm 54%, trên 920 xe.

Do lượng xe tồn tại các cửa khẩu còn lớn, thông quan chưa cải thiện, tỉnh Lạng Sơn tiếp tục gia hạn thời gian dừng nhận xe chở trái cây tươi lên cửa khẩu tới ngày 15/3/2022, tức thêm 10 ngày so với thời hạn 5/3/2022  đã thông báo trước đây.

Trước đó, tại cuộc họp xử lý hàng hoá ở cửa khẩu, Phó thủ tướng Lê Văn Thành giao Bộ Y tế, cùng các bộ, ngành trao đổi với cơ quan hữu quan phía Trung Quốc thiết lập ngay mô hình "vùng xanh", "luồng xanh" kiểm soát dịch bệnh tại khu vực cửa khẩu, gồm cả người, trang thiết bị, phương thức hoạt động... nhằm giải quyết nhanh thủ tục kiểm dịch, kiểm soát lái xe và hàng hóa. Việc này nhằm đảm bảo kết quả an toàn phòng chống dịch được cả hai nước công nhận, đẩy nhanh quá trình thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương xây dựng tiêu chuẩn, điều kiện, chất lượng với hàng hóa xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới và cơ chế chính sách khuyến khích xuất khẩu chính ngạch với một số hàng hóa đang ùn tắc tại các cửa khẩu. Đề xuất này cần được báo cáo Chính phủ trước 30/3/2022.

Theo phân tích của Bộ Công Thương, tình trạng ùn tắc như hiện nay do các nguyên nhân sau:
+ Chủ yếu là do Trung Quốc kiên trì chính sách “Zero Covid”, từ đó áp dụng các biện pháp mạnh chưa từng có để phòng chống dịch bệnh.
+ Năng lực bốc dỡ phía Trung Quốc cũng có phần hạn chế, khiến việc thông quan thêm chậm.
+ Các tỉnh biên giới phía Bắc chưa thiết lập được “vùng xanh”, “luồng xanh” ở khu vực cửa khẩu biên giới với quy trình, tiêu chuẩn phòng chống dịch hài hòa với phía Trung Quốc.
+ Tập quán buôn bán cũ khiến nhiều nhà xe vẫn đưa hàng hóa lên biên giới mà chưa có đối tác và hợp đồng cụ thể.

Để giải quyết những vướng mắc trong thời gian tới, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, Bộ đã có văn bản đề nghị Bộ Y tế khẩn trương chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, nhằm giải quyết nhanh thủ tục kiểm dịch, kiểm soát lái xe và hàng hóa đảm bảo an toàn phòng chống dịch được cả hai nước công nhận, nhằm đẩy nhanh quá trình thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu.

Bộ Công Thương cũng đã hướng dẫn các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng và Lào Cai về việc xây dựng các “vùng xanh”, “luồng xanh”.

Đó là, có thể bố trí bãi tập kết phương tiện gần cửa khẩu, sau đó hợp tác với phía Trung Quốc để khử khuẩn cho hàng hóa và phương tiện, cũng như lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho lái xe (trong trường hợp cần thiết) tại các bãi này.

Các phương tiện và lái xe đã được 2 bên xác nhận âm tính có thể đi thẳng qua biên giới để vào bãi sang tải, không phải qua khử khuẩn hoặc xét nghiệm lần 2 nữa.


Mô hình này có thể cải thiện đáng kể hoạt động thông quan tại các cửa khẩu biên giới, hạn chế được tối đa nguy cơ ùn tắc và có nhiều thuận lợi có thể đạt được.

Thuận lợi đầu tiên phải kể đến là khắc phục được việc phương tiện và hàng hóa đã được khử khuẩn bên phía ta, phía Trung Quốc lại khử khuẩn một lần nữa, do kết quả xét nghiệm và quy trình khử khuẩn của ta chưa được Trung Quốc công nhận.

Bên cạnh đó, khắc phục được hạn chế về diện tích khu vực phun khử khuẩn của phía Trung Quốc (như ở cửa khẩu Tân Thanh).

Nếu phát hiện phương tiện, hàng hóa nhiễm SARS-CoV-2 bên phía Trung Quốc thì theo quy định, Trung Quốc sẽ phải ngừng hoạt động thông quan để khử khuẩn toàn bộ khu vực cửa khẩu, đôi khi mất tới 1-2 ngày.

Trong khi đó, nếu phát hiện phương tiện, hàng hóa, lái xe nhiễm SARS-CoV-2 trên đất Việt Nam thì chỉ cần không cho phương tiện đó ra cửa khẩu là đủ. Hoạt động thông quan, bốc dỡ, sang tải bên phía Trung Quốc sẽ không bị ảnh hưởng”, là thuận lợi quan trọng nhất của “vùng xanh”, “luồng xanh”.

Xây dựng đề án riêng cho Trung Quốc

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, tuần này bộ sẽ chủ trì họp với các bên liên quan để xây dựng phương án chuyển đổi từ tiểu ngạch sang chính ngạch, xây dựng đề án riêng về thị trường Trung Quốc, từ đó tổ chức sản xuất, tổ chức giao thương hàng hóa, củng cố các liên quan sản xuất xuất khẩu… nhằm nâng cao hiệu quả hơn.

Đồng thời, sẽ thúc đẩy nhanh hơn việc đàm phán, ký kết nghị định về công nhận hàng hóa nông sản xuất khẩu của Việt Nam để làm cơ sở thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch.

Phương châm “an toàn để xuất khẩu, xuất khẩu phải an toàn” mới có thể giải quyết được vấn đề ùn ứ tại cửa khẩu, lãnh đạo Bộ Công Thương đề nghị, các địa phương vùng trồng, doanh nghiệp, các thương lái, lái xe đường dài tăng cường áp dụng các biện pháp nhằm bảo đảm quy trình sản xuất, bao gói, vận chuyển hàng hóa là tuyệt đối an toàn.

Riêng các địa phương biên giới, cần tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát để bảo đảm quy trình an toàn hàng hóa, phương tiện được thực hiện một cách chính xác và nghiêm túc;

Kiên quyết loại bỏ những lô hàng có biểu hiện vi phạm quy tắc phòng chống dịch để không làm ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu nói chung và xuất khẩu nông sản nói riêng, đồng thời xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân có liên quan tới các lô hàng đó.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cần chuyển nhanh, chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc theo hình thức chính ngạch (mua bán theo hợp đồng, với các điều kiện giao dịch, giao nhận rõ ràng, giao hàng tại các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính,…).

Với tình hình hiện tại, các đơn vị cần điều chỉnh kế hoạch sản xuất, tiến độ thu hoạch và điều tiết lượng hàng đưa lên các cửa khẩu.

“Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cùng các địa phương cần đẩy nhanh triển khai thực hiện đáp ứng các quy định của phía Trung Quốc tại Lệnh 248, Lệnh 249; Đồng thời, tiếp tục thực hiện nghiêm túc các quy định về truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, ghi nhãn,… cũng như các yêu cầu khác có liên quan để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng quy định, tiêu chuẩn đã thỏa thuận với khách hàng”, lãnh đạo Bộ Công thương nhấn mạnh.

Còn để giải quyết bài toán ùn tắc xuất khẩu qua tiểu ngạch, lãnh đạo Bộ Công Thương cho hay, đã đề xuất với các tỉnh biên giới nhằm xây dựng các khu trung chuyển đa năng để nhà nhập khẩu tuyển chọn, sơ chế, đóng gói hàng hóa, thực hiện các thủ tục hải quan, kiểm dịch sau đó xuất khẩu qua nước bạn nhằm chủ động hơn. Sắp tới, sẽ xây dựng đề án riêng về thị trường Trung Quốc.

Thí điểm giao nhận hàng hoá không tiếp xúc với Trung Quốc

Trước đó, thương thức giao nhận hàng hoá "không tiếp xúc" được tỉnh Lạng Sơn và Thành phố Bằng Tường (Trung Quốc) thí điểm tại cửa khẩu Hữu Nghị từ 1/3/2022.

 
Giao nhận hàng hoá không tiếp xúc có 5 bước. Trước tiên, mỗi lượt xe xuất hàng của Việt Nam vào hai bãi chờ xuất khẩu trên tuyến đường chuyên dụng vận tải (cột mốc 1119-1120). Bãi chờ xuất hàng sẽ cắt container, còn bãi chờ nhập sẽ cẩu container. Việc cắt và cẩu container do lao động người Việt thực hiện.

Sau đó, tài xế điều khiển đầu kéo rời khỏi bãi để lực lượng y tế khử khuẩn, làm sạch. Chỉ có công nhân vận hành cẩu được trang bị quần áo bảo hộ, khẩu trang... được ở lại. Buồng lái xe cẩu hàng phải được niêm phong.
Phía Trung Quốc sẽ bố trí lượng xe tương ứng tại hai bãi chờ xuất này. Nhân viên Trung Quốc sẽ thực hiện toàn bộ quy trình nối container, cẩu container lên phương tiện. Sau khi hoàn thành lái xe chuyên trách Trung Quốc sẽ kéo xe hàng về phía Trung Quốc, giao hàng qua đường chuyên dụng vận tải hàng hoá khu vực mốc 1119-1120.

Sau khi hoàn thành việc giao hàng, lái xe chuyên trách Trung Quốc điều khiển phương tiện đi theo đường xuất nhập cảnh (khu vực mốc 1116-1117) và trả container rỗng (không có hàng hoá) tại bãi xe phía sau cửa hàng miễn thuế.

Trả xong container rỗng, lái xe chuyên trách Trung Quốc đưa xe đầu kéo vào hai bãi để nhận tiếp hàng hoặc quay về Trung Quốc theo đường xuất nhập cảnh.

Phương thức giao nhận không tiếp xúc này, được lãnh đạo Sở Công Thương Lạng Sơn kỳ vọng sẽ giúp tăng năng lực thông quan tại các cửa khẩu của tỉnh này lên gấp đôi, hoặc ba hiện nay.

Tuy nhiên, do phía Trung Quốc vẫn siết chặt phòng dịch, 100% hàng từ Việt Nam phải kiểm hóa..., tỉnh Lạng Sơn khuyến cáo doanh nghiệp chủ động trong sản xuất kinh doanh và cân nhắc việc đưa hàng lên khu vực cửa khẩu.

TÀI LIỆU ĐÍNH KÈM

TIN LIÊN QUAN