Khải Xuân (KXS): Cụm ngành kinh tế và liên kết trong logistics
(Cập nhật: 24/03/2023)Thực ra, lâu nay Việt Nam đã quan tâm đến quy hoạch vùng, không chỉ các tỉnh, mà cả cấp huyện đều có quy hoạch khu công nghiệp... Tuy nhiên, năng lực thực hiện cụm kinh tế ngành chỉ dừng lại trên ý tưởng, quy hoạch, không thành công trên thực tế.
Theo Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright về “Phát triển vùng và địa phương” thì, khái niệm “cụm ngành” là “sự tập trung về mặt địa lý của các doanh nghiệp, các nhà cung ứng và các doanh nghiệp có tính liên kết cũng như của các công ty trong các ngành có liên quan và các thể chế hỗ trợ (ví dụ như các trường đại học, cục tiêu chuẩn, hiệp hội thương mại...) trong một số lĩnh vực đặc thù, vừa cạnh tranh vừa hợp tác với nhau”.
Họ còn đưa ra tiêu chí về năng lực cạnh tranh (NLCT) của mỗi công ty/ngành công nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào “hệ sinh thái” hay cụm ngành - trong đó công ty và ngành công nghiệp tồn tại. Cụm ngành được gắn kết bởi sự tương hỗ và được cộng hưởng bởi tác động lan tỏa tích cực.
Cũng theo Fulbright cụm ngành là yếu tố quan trọng để nâng cao NLCT. Cụm ngành sẽ thúc đẩy năng suất và hiệu quả, bởi lẽ cụm ngành tạo cơ hội tiếp cận thông tin, dịch vụ và nguyên liệu chuyên biệt; Tăng tốc độ; giảm chi phí điều phối và chi phí giao dịch; Tăng khả năng truyền bá thực hành tốt; Tăng cạnh tranh, Về thúc đẩy đổi mới, đó là việc cụm ngành tăng khả năng nhận diện cơ hội đổi mới công nghệ; Giảm chi phí và rủi ro thử nghiệm công nghệ mới, Về thúc đẩy thương mại hóa, đó là tạo cơ hội phát triển sản phẩm mới và/hoặc DN mới; Giảm chi phí, tăng tốc độ thương mại hóa. Đây cũng chính là những giá trị Logistics mang lại.
Trên thực tế, mặc dù quá trình cơ cấu lại các ngành kinh tế tại Việt Nam đã thu được những thành quả nhất định, song vẫn tồn tại những hạn chế như quá trình cơ cấu tại một số ngành diễn ra còn chậm, kết quả chưa đạt so với mục tiêu và yêu cầu; tăng trưởng ngành chưa đạt mục tiêu đề ra và chưa vững chắc...
Thành quả thể hiện ở chỗ việc liên kết theo ngành, vùng, cụm kinh tế được đẩy mạnh; Cơ cấu ngành được thực hiện theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, thị trường, sản phẩm xuất khẩu đa dạng... Tuy nhiên, việc nâng cấp ứng dụng những thành quả của công nghệ đổi mới sáng tạo chưa cao, thiếu tính chủ động; Chưa hình thành được nền kinh tế năng động, chưa có sự thay đổi đáng kể về cơ cấu lại các ngành kinh tế; Về xuất khẩu, ít hình thành các sản phẩm mới, ngành nghề mới...
Trong các tồn tại, đặc biệt, các mối liên kết với các nước phát triển, các cụm ngành kinh tế chưa đủ mạnh. Năng suất lao động chưa được cải thiện đáng kể. Tính độc lập và chống chịu của nhiều ngành còn thấp, thị trường chưa đa dạng, thiếu tính liên kết hệ thống, phục thuộc nhiều vào biến động cung cầu thị trường thế giới, biến động về giá...
Theo các chuyên gia kinh tế cụm ngành nhận định, việc cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng cường tính liên kết, cụm liên kết còn nhiều hạn chế; Các khu công nghiệp, khu kinh tế chủ yếu phát triển đa lĩnh vực, chưa hình thành được các tác nhân lõi để phát triển cụm liên kết như dự án có quy mô lớn, đối tác đầu tư nước ngoài chiến lược... nên mối liên kết giữa các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế trong sản xuất, cung cấp sản phẩm, dịch vụ chưa phát triển. Bên cạnh đó, thực trạng phân bổ không gian của các ngành công nghiệp chưa khai thác tốt lợi thế và vị trí địa lý, tiềm năng của các địa phương; chưa hình thành được các chuỗi liên kết ngành công nghiệp.
Việc quy hoạch các khu công nghiệp, cụm công nghiệp chưa thực sự gắn với cụm ngành công nghiệp chuyên môn hoá, chưa xây dựng được các tổ hợp công nghiệp chuyên môn hoá thực chất tại các khu vùng tập trung công nghiệp; chưa tạo ra được hệ sinh thái bộ gồm các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cuối cùng, các doanh nghiệp cung ứng, nhà cung cấp linh kiện, đơn vị cung cấp dịch vụ tư vấn, tài chính, khoa học công nghệ.
Trong một báo cáo do Ban Kinh tế Trung ương và World Bank thực hiện có đưa ra đánh giá, các tỉnh thành dẫn đầu về việc làm trong cụm ngành vận tải và logistics bao gồm TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Bình Dương và Đồng Nai. Trong số đó, Bình Dương và Đồng Nai có mức độ chuyên môn hoá cụm ngành yếu (LQ<1).
Các địa phương tham gia cụm ngành vận tải và logistics phân bố khắp cả nước, trong đó các tỉnh thuộc nhóm 10% chuyên môn hoá cao có TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Định và các tỉnh thuộc nhóm 25% chuyên môn hoá cao có Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu... Như vậy, cụm ngành vận tải và logistics vẫn là một “điểm nghẽn” làm cho sự tăng trưởng chưa vững chắc.
Trong điều kiện mới như hiện nay, theo các chuyên gia, để tăng cường việc liên kết kinh tế theo ngành, nâng cao hiệu quả cụm ngành cần điều tiết dòng chảy nguồn lực kinh tế cho phù hợp và hiệu quả. Lựa chọn phát triển thí điểm một số mô hình cụm liên kết ngành trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế. Tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị,.. để đổi mới, trước hết, cần chỉ rõ đâu là nguyên nhân khiến việc liên kết kinh tế theo ngành, vùng lỏng lẻo. Sự lỏng lẻo nằm trong tư duy “cát cứ”, “mạnh ai nấy làm” hay do quy hoạch, nguồn lực đầu tư?
Năm 2022, một trong những “dấu ấn” khi Bộ Chính trị xem xét, ban hành các nghị quyết mới về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở toàn bộ 6 Vùng kinh tế - xã hội của cả nước. Sau đó là Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện các nghị quyết này.
Thực ra, lâu nay Việt Nam đã quan tâm đến quy hoạch vùng, không chỉ các tỉnh, mà cả cấp huyện đều có quy hoạch khu công nghiệp... Tuy nhiên, năng lực thực hiện cụm kinh tế ngành chỉ dừng lại trên ý tưởng, quy hoạch, không thành công trên thực tế. Nguyên nhân là “cụm ngành kinh tế” mới là kết quả của duy ý chí, phần nào đó thể hiện tâm lý “hội chứng”, chưa được thiết kế bằng tư duy “chuỗi giá trị”, theo sự vận động của kinh tế thị trường.
Trong điều kiện mới như hiện nay, để tăng cường việc liên kết kinh tế theo ngành, vùng và nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế cần điều tiết dòng chảy nguồn lực kinh tế cho phù hợp và hiệu quả. Lựa chọn phát triển thí điểm một số mô hình cụm liên kết ngành trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế. Tìm kiếm, mở rộng thị trường cho phát triển cụm liên kết ngành kinh tế... Tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, phát triển các cụm liên kết - chế biến - tiêu thụ nông sản tại các địa phương, vùng miền có sản lượng nông sản lớn... Đây cũng là những nội dung của quá trình tái cơ cấu lại nền kinh tế hiện nay.