Dòng chảy hàng hóa và các loại hình dịch vụ trong Logistics
(Cập nhật: 17/01/2023)Những năm gần đây, Logistics đang nằm trong top những ngành nghề hot trong tương lai. Tuy vậy, Logistics lại tương đối mới mẻ ở Việt Nam. Thật ra, những hoạt động Logistics đã có từ rất lâu nhưng gần đây người ta mới được tiếp cận với những thuật ngữ chuyên ngành hơn. Vậy Logistics chính xác là gì? Và hoạt động Logistics bao gồm những hoạt động nào?
Logistics có thể được hiểu là quá trình hoạch định, thực hiện và kiểm soát sự lưu thông, tích trữ một cách hiệu quả tối ưu các loại hàng hóa, nguyên vật liệu, thành phẩm và bán thành phẩm, dịch vụ và thông tin từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ cuối cùng. Có thể hiểu đơn giản nhờ có các hoạt động Logistics mà từ những nguyên liệu thô sơ đến tay khách hàng là những thành phẩm hoàn chỉnh.
Logistics bao gồm các hoạt động vận tải hàng hóa xuất – nhập khẩu, quản lý đội tàu, kho bãi, nguyên vật liệu, thực hiện đơn hàng, quản trị tồn kho, hoạch định cung cầu. Ngoài ra, Logistics còn có vai trò tìm kiếm nguồn nguyên liệu đầu vào, lập kế hoạch sản xuất, đóng gói sản phẩm, cung cấp dịch vụ khách hàng.
Bài viết dưới đây đề cập đến dòng chảy của hàng hóa và các loại hình dịch vụ trong hoạt động Logistics, mời bạn tham khảo!
Dòng chảy hàng hóa trong dịch vụ Logistics
Theo Cooper and Ellram (1993), chuỗi cung ứng bao gồm ba dòng chảy chính. Đó là dòng hàng hóa (Physical Flow), dòng thông tin (Information Flow) và dòng tiền (Monetary Flow).
Trong đó, dòng chảy hàng hóa bao gồm tất cả các hoạt động từ xử lý yêu cầu của khách hàng đến lựa chọn chiến lược phân phối và phương tiện vận chuyển, sao cho hàng hóa được trao đến tay khách hàng. Theo mô hình của Sunil Chopra (2017), chúng ta có 6 mô hình “dòng chảy hàng hóa” khác nhau như sau:
-
Giao hàng trực tiếp từ nhà máy sản xuất (Manufacturer storage with direct shipping)
Với mô hình này, hàng hóa được chuyển trực tiếp từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng cuối cùng, bỏ qua khâu lưu trữ hàng hóa tại các nhà bán lẻ.
Mô hình này còn được gọi là Dropshipping. Dropshipping cho phép các nhà bán lẻ không cần nhập hàng, chỉ cần liên lạc với nhà sản xuất. Khi có đơn hàng phát sinh, nhà cung cấp sẽ giao hàng cho người mua với thông tin bán hàng từ nhà bán lẻ.
Dropshipping được áp dụng bởi một số công ty lớn như Amazon, eBays và Nordstrom. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ tiếp nhận thông tin về các đơn hàng từ các đơn vị bán lẻ (cá nhân, tổ chức) sau đó tổ chức giao hàng trực tiếp tới tay người tiêu dùng cuối cùng.
-
Giao hàng trực tiếp từ nhà máy sản xuất thông qua trung gian kết hợp (Manufacturer storage with direct shipping and In-Transit Merge)
Trong mô hình này, hàng hóa (dạng bán thành phẩm), sau khi được sản xuất sẽ được vận chuyển đến một khu vực lưu trữ được gọi là In-Transit Merge. Khu vực này có khả năng tiếp nhận các bộ phận của một sản phẩm đến từ nhiều địa điểm khác nhau, sau đó tiến hành lắp ráp và vận chuyển thành phẩm đến người tiêu dùng cuối cùng. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể tiết kiệm chi phí vận chuyển, tiết kiệm thời gian hoàn thành sản phẩm và rút ngắn thời gian giao hàng.
Mô hình này thường được áp dụng ở cách thức sản xuất các loại máy tính, máy bay, điện thoại, thiết bị nha khoa, linh kiện,… Ví dụ, một bộ máy tính PC gồm màn hình có thể đến từ East Coast và CPU có thể đến từ West Coast của Mỹ.
-
Giao hàng từ kho nhà phân phối (Distributor storage with carrier delivery)
Ở mô hình này, hàng hóa không được lưu trữ tại nhà máy sản xuất mà ở một khu vực khác được gọi là Intermediate Warehouses. Đây có thể được xem là nhà kho riêng của các đơn vị phân phối và bán lẻ. Hàng hóa sẽ được đóng gói và giao đến người tiêu dùng cuối cùng.
Amazon là một trong những công ty tiêu biểu áp dụng mô hình này. Amazon nổi bật với hơn 110 kho hàng quy mô lớn trên toàn cầu, trong đó có tới 64 kho phân bố khắp Hoa Kỳ. Mỗi kho hàng đều được đặt ở gần những trung tâm tiêu thụ lớn với hệ thống giao thông thuận lợi. Hàng hóa từ kho này sẽ được phân phối đến khách hàng theo đơn đặt hàng của họ.
-
Giao hàng từ kho nhà phân phối kết hợp giao hàng chặng cuối (Distributor storage with last-mile delivery)
Last Mile Delivery hay giao hàng chặng cuối là hình thức hàng hóa được chuyển từ kho hàng của nhà phân phối hoặc các nhà bán lẻ đến người tiêu dùng. Quá trình vận chuyển được thực hiện bởi chính chủ kho hàng và nhà bán lẻ – Những người bán hàng trực tiếp.
-
Nhận hàng từ nơi lưu trữ của nhà sản xuất/nhà phân phối (Manufacturer/distributor storage with customer pickup)
Đối với mô hình này, hàng hóa được chứa trong kho của nhà máy sản xuất hoặc nhà phân phối. Sau đó, khách hàng tự đến những địa điểm này để lấy hàng.
Dễ nhận thấy, siêu thị Metro (trước đây) ở Việt Nam là doanh nghiệp tiêu biểu tiên phong cho mô hình này. Các siêu thị của đơn vị này đều nằm ở những vị trí “đắc địa” tại các thành phố lớn, hay khu vực ngoại thành nơi có vị trí rộng rãi, mật độ giao thông không quá cao, dễ dàng cho khách hàng tới mua hàng.
-
Nhận hàng từ nơi lưu trữ của nhà bán lẻ (Retail storage with customer pickup).
Có thể nói đây là mô hình quen thuộc, hình thức giao hàng phổ biến nhất tại Việt Nam. Người tiêu dùng sẽ trực tiếp tới các kênh phân phối để mua hàng như chợ truyền thống, cửa hàng tiện lợi, siêu thị,…
Một số chuỗi siêu thị lớn tại Việt Nam phải kể đến như Big C, Coopmart, Lotte Mart, Vinmart hoặc các chuỗi cửa tiện hàng tiện lợi như Familymart, Circle K, Ministop,…
Các loại hình dịch vụ phổ biến trong Logistics ở Việt Nam
Theo pháp luật Việt Nam, dịch vụ logistics được phân làm ba loại:
- Dịch vụ logistics cốt lõi: bao gồm các hoạt động bốc xếp, lưu trữ hàng hóa, tiếp nhận và quản lý thông tin liên quan đến vận chuyển và lưu kho hàng hóa trong suốt cả chuỗi Logistics
- Dịch vụ logistics liên quan đến vận tải: bao gồm những dịch vụ vận tải hàng hóa, vận tải thủy nội địa, vận tải hàng không, vận tải đường sắt, vận tải đường bộ và vận tải đường ống
- Các dịch vụ liên quan khác: bao gồm dịch vụ kiểm tra và phân tích kỹ thuật, dịch vụ bưu chính, dịch vụ thương mại bán buôn, dịch vụ thương mại bán lẻ và các dịch vụ hỗ trợ vận tải khác.
Mặc dù có nhiều loại hình dịch vụ Logistics, nhưng ở Việt Nam lại phổ biến với các loại hình dịch vụ như:
-
Dịch vụ vận tải:
Thời gian gần đây đang phổ biến vận tải đa phương thức với sự kết hợp của các phương thức vận tải như: vận tải đường bộ – đường hàng không – đường sắt – đường biển trong cùng một hợp đồng vận tải đã đóng góp một tỷ trọng không nhỏ trên thị trường logistics Việt Nam nhờ tính linh hoạt trong việc đáp ứng các đơn hàng với các quy mô khác nhau, hạn chế tác động từ các rủi ro thiên tai, đình công… trong khi cân đối chi phí ở mức chấp nhận được cho các chủ hàng.
-
Dịch vụ kho bãi:
Đây là loại hình dịch vụ logistics liên quan đến hoạt động lưu trữ, bảo quản sản phẩm, bán thành phẩm nhằm cung ứng cho khách hàng nhanh chóng và tiết kiệm chi phí nhất có thể, đồng thời cũng cung cấp các thông tin về tình trạng điều kiện lưu trữ và vị trí lưu kho của hàng hóa.
-
Dịch vụ giao nhận:
Loại hình dịch vụ liên quan đến hoạt động vận chuyển, gom hàng, lưu kho, bốc xếp, đóng gói và phân phối hàng hóa cũng như liên quan đến các dịch vụ tư vấn, kể cả các vấn đề về thủ tục hải quan, thanh toán, mua bảo hiểm và các chứng từ hàng hóa,…